Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Hồi ức thời thơ bé

Nguyễn  Quang Vinh
Ảnh bên: Hai anh em chụp ảnh này tại nơi sơ tán là đội 1 thôn Đông Dương, hình như là vào năm 1970.

Nhà có 8 anh em, anh Lập thứ 7, tôi út.

Tôi đái dầm từ bé đến năm lơp 9 mới hạn chế đôi chút. Mỗi buổi sáng, anh Lập lại kêu:" Mạ ơi. Thằng Vinh đái ướt quần con rồi". Và anh Lập nheo mắt:"Cu mi nhỏ hơn cu tau răng mi đái nhiều rứa?". Tôi kéo quần anh Lập xuống coi, đưa cu tôi so với Lập, thấy Lập to hơn, dài hơn. Tức lắm. Sau này mới chói lòa một chân lý: Lập sinh trước tôi 3 năm lớn hơn thì cu Lập phải to hơn là đúng, không cần đố kị.


Ngày sinh ra anh Lập, ba tôi đặt tên cho Lập trong giấy khai sinh là Nguyễn Quang Vinh. Sau vài ba tháng, nghĩ sao, ông lại thay giấy khai sinh, thay tên Nguyễn Quang Vinh thành Nguyễn Quang Lập. Ba năm sau sinh tôi ra, ba tôi đặt tên tôi là Nguyễn Quang Vinh. Nếu bây giờ tên Nguyễn Quang Lập là Nguyễn Quang Vinh và tên tôi là Nguyễn Quang Lập thì sao nhỉ? Thì tôi sẽ gánh họa thay Lập: què chân trái, liệt tay trái. Lập tài hơn tôi, Lập cần lành lặn, tôi ngu hơn, tôi gánh cái què của Lập cũng được.

 Hồi tôi 6 tuổi, Lập 9 tuổi, hai thằng thường xuyên mò đi xem văn công. Quảng Bình lúc ấy là trên bom dưới đạn, báo chí gọi là tuyến lửa. Vì là tuyến lửa nên Trung ương ưu tiên Quảng Bình được xem nhiều lần biểu diễn của văn công. Đáng lẽ hồi ấy, người ta phải cho bọn tôi gạo, cá thịt, nhưng người ta cứ cho văn công nên rất nhiều lần hai thằng được coi văn công. Nhưng lại không phải coi văn công. Hai anh em lẻn ra sau sân khấu, trườn bò dưới cát rồi vén tấm vải bạt che chỗ các o văn công thay áo quần, chui đầu vào. Trời tối, mấy o không thấy hai cái đầu trọc của anh em tôi đang nhoài vào, mở mắt hoang hoác nhìn ngắm từng o thay áo quần. Vú vê, mông má các o nhìn rõ mòn một.

 Lập còn nói :" O hồi nãy nhiều lông hơn hơn o vừa rồi". Tôi gật đầu. Tôi thấy mỗi lần có o văn công thay áo quần, Lập nuốt nước miếng. Tôi học theo cũng nuốt nước miếng. Lập hỏi :" Răng mi nuốt nước miếng?". Tôi hỏi:" Răng anh nuốt nước miếng?". Lập cười. Thấy hai anh em thường xuyên kéo nhau đi xem văn công, ông hàng xóm nói với ba tôi:" Hai cháu rất có năng khiếu. Tích cực đi xem văn công". Ba tôi gật đầu tự hào.

Thời chiến tranh, bệnh xá, trường học, cửa hàng đều hoạt động dưới nhà hầm. Một lần tôi và Lập kéo nhau đến gần một cửa hàng thì nghe tiếng cười rúc rích. Hai anh em rón rén chạy đến, khoét cát trên gờ đất nhà hầm, thò đầu vào xem. Trong cửa hàng o nhân viên đang ôm chú cửa hàng trưởng. Chú cửa hàng trưởng thấp lùn, phải đứng trên ghế mới hôn được o nhân viên. Mãi hôn, cái ghế đổ, chú cửa hàng trưởng ngả lăn quay. Tôi và Lập cười ha ha. 

O nhân viên chạy ra, kéo tay hai anh em dến một góc, dúi cho gói kẹo và thì thầm thì thầm rằng không được nói với ai chuyện này. Tôi không biết chuyện này là chuyện gì những cũng ngoan ngoãn gật đầu vì tôi là cháu ngoan Bác Hồ, người lớn nói gì là phải ngoan ngoãn gật đầu- cô giáo dạy thế. Lập cầm gói kẹo. Hai thằng chạy ra sau động cát. Chia đôi. Thừa một cái. Lập nói:" Tau to hơn mi, tau thêm cái này". Tôi không chịu. Lập cắn đôi cái kẹo, đưa tôi một nửa. Hồi đó, một năm bọn tôi mới được ăn kẹo một lần vào ngày tết. Lập cầm gói kẹo, miệng nhai, cùng tôi bước nghêng ngang về làng, kiêu hãnh.

Thời tôi học lớp 4, ở làng Đông thấy rộ lên phong trào dân quân đi bắt các đôi nam nữ hủ hóa. Anh Lập và tôi rất hào hứng chuyện này. Anh Lập hào hứng vì muốn biết hủ hóa như thế nào, muốn biết thằng đàn ông đè dí người đàn bà ra làm sao. Anh Lập nói, tao phải biết để sau này tao làm nhà văn. Tôi thì háo danh, muốn tận tay bắt quả tang một vụ hủ hóa để được cô giáo hiệu trưởng nêu gương dưới cờ vào sáng thứ 2. Nghe tôi nói thế, anh Lập hằm hằm:" Mi thích biểu dương thế, sau này mi sẽ Đảng viên". Tôi hỏi:" Đảng viên là răng?". Lập nói:" Tao cũng đéo biết. Nhưng làng mình ai lớn lên cũng đua nhau vô đảng. Chắc là rất hay. Khi mô lớn, tao và mi sẽ vô đảng nhé". Tôi sướng lắm. Nhưng bây giờ thì kể chuyện đi bắt hủ hóa đã.

Rình rập mãi cũng bắt gặp được một vụ. Tôi phát hiện đầu tiên. Tôi định lao lên hô hoán thì anh Lập giữ tay lại:" Ngu. Hai người đó đang ngồi tâm sự thì mắc chi mà hô hoán?". Tôi tròn mắt:" Chớ đàn ông ngồi cạnh đàn bà là được mà". Lập giải thích:" Thằng ngu. Nghe đây. Hủ hóa là gì? Một. Là khi và chỉ khi con cu của người đàn ông đâm vào bướm đàn bà. Hai. Khi và chỉ khi, người đàn ông và người đàn không phải vợ chồng, không phải đã xin ý kiến chi bộ để được yêu nhau mà họ vẫn đâm vào nhau thì mới gọi là hủ hóa, mới bắt". Phức tạp. Nhưng vì để được cô giáo khen tôi lại phải nhớ trong đầu lời Lập " khi và chỉ khi...".

.....Anh Lập kéo tôi nằm xuống trên một đống cỏ. Nín thở. Anh Lập không cần bắt, chỉ cần nhìn thấy người đàn ông đâm người đàn bà như thế nào để biết sau này làm nhà văn. Còn tôi thì hau háu với thành tích. Cách chúng tôi khoảng 3 mét, đôi nam nữ vẫn ngồi bên nhau, rì rầm nói chuyện. Anh Lập yêu cầu tôi nằm im. Tôi thấy ở bụng mình ươn ướt. Hóa ra chúng tôi đang nằm trên bãi cứt. Tôi thì thần:" Chết. Cứt". Anh Lập thì thầm:" Biết rồi. Khả năng thằng kia sau khi ỉa xong thì bắt đầu tâm sự với cô này". Lâu quá. Gần một giờ sau thì tôi nghe oạch một cái. Người đàn ông đè người đàn bà lên cát. Tôi nói nhỏ:" Bắt ". Lập cản lại:" Thằng này. Chưa đâu. Giai đoạn 1 thôi. Khi nào thấy áo quần cởi ra thì lúc ấy mới...".

 Tôi nghe tiếng cô gái kêu lện một tiếng. Lại nghe tiếng hực. Rồi hai người nhấp nhổm trong ánh sáng mờ trên cát. Anh Lập dán mắt nhìn lẩm bẩm:"Đéo mẹ. Sao không ai cởi áo quần?". Ba mươi phút sau, nghe tiếng họ cười. Cả hai dắt tay nhau đi. Hai anh em nhìn nhau. Lập nói:" Sao vậy?". Tôi không biết. Sau này, mãi sau này, khi Lập thành nhà văn, Lập nói:" Hồi đó tao và mày ngu. Thằng cha đó nó không cần cởi áo quần, nó chỉ thò con cu của nó ra đâm thôi. Ngu thật". Tôi hỏi:" Sao anh biết. Anh cũng làm thế rồi à?". Lập ấp úng:" Nói chung là, khi cần thì vẫn phải thế. Cu mình như khẩu súng, lúc công khai, lúc bí mật, miễn là tiêu diệt được quân thù...". Tôi im.
------------
Hai anh em chụp ảnh này tại nơi sơ tán là đội 1 thôn Đông Dương, hình như là vào năm 1970.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét