vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:

Tàu ngầm Trường Sa chạy thử nghiệm vào tuần tới

Dự kiến vào giữa tuần tới (khoảng ngày 15 hoặc 16/1/2014), tàu ngầm mini Trường Sa của một cá nhân tại Thái Bình sẽ chạy thử nghiệm.

Trao đổi với phóng viên sáng 8/1, ông Nguyễn Quốc Hòa, người chế tạo tàu ngầm mini Trường Sa cho biết, hiện tại các kỹ sư tham gia đóng tàu đã hoàn tất các công đoạn cuối cùng. Ngày 6/1, ông đã cùng với công nhân di chuyển tàu ngầm từ xưởng cơ khí ra bể thử nghiệm.
Bể nước thử nghiệm tàu ngầm chứa 200 m3, kích thước 4m x 10m x 5m.
“Hiện chúng tôi đang xây bít kín bể thử nghiệm tàu ngầm và sẽ chờ khoảng hai hôm nữa tường khô lại sẽ cho xả nước đầy vào bên trong bể. Dự kiến, khoảng giữa tuần tới tôi sẽ thử độ nổi, chìm của tàu ở trong bể thử nghiệm”, ông Hòa chia sẻ.
Ông Hòa sẽ kiểm tra chế độ vận hành của máy, hệ thống cung cấp oxi, bộ lọc khí ở trong con tàu. “Tàu ngầm chỉ chứa được một người, do vậy khi thử nghiệm tàu chỉ có mình tôi ngồi ở bên trong và vận hành nó”, ông Hòa nói.
Ông Hòa gắn hệ thống công nghệ AIP (viết tắt của Air Independent Propulsion - công nghệ không khí tuần hoàn độc lập) ở dọc thân tàu ngầm. Theo ông Hòa, hệ thống này ông đã phải thử đi thử lại hơn 10 lần mới thành công. Dự kiến, công nghệ AIP có thể giúp tàu hoạt động liên tục trong vòng 20 giờ.

Tàu ngầm mang tên Trường Sa do ông Nguyễn Quốc Hòa chế tạo
Nói về phương án dự phòng khi gặp phải sự cố trong quá trình thử nghiệm tàu ngầm, ông Hòa cho hay, hiện tại mọi thứ trên con tàu đang họat động an toàn và vì vậy, ông chưa nghĩ đến phương án dự phòng khi tàu gặp sự cố.
Như đã đưa tin, đầu năm 2013, ông Nguyễn Quốc Hòa 56 tuổi, Giám đốc Công ty cơ khí Quốc Hòa, ở TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã tự chế tàu ngầm mang tên Trường Sa. Theo thiết kế, tàu có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi. Bán kính hoạt động 800km. Tàu lặn sâu 50m, có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tàu có 2 động cơ 90Hp
Khi lặn, tàu sử dụng công nghệ AIP (viết tắt của Air Independent Propulsion - công nghệ không khí tuần hoàn độc lập). Công nghệ AIP tức là động cơ nổ (tàu có 2 máy nổ diesel chạy cùng lúc) phải có không khí, nếu không có không khí thì động cơ sẽ chết.
Điều khiến mọi người hoài nghi về sự thành công của dự án là ông Hòa chỉ là một thợ cơ khí, chưa qua một trường lớp đào tạo chuyên sâu về chế tạo tàu ngầm. Đặc biệt hơn khi ông Hòa nói sử dụng công nghệ AIP trên tàu ngầm (đây là công nghệ tiên tiến, mới có một số ít nước phát triển như Pháp, Thụy Điển áp dụng thành công). Do vậy, nhiều người cho rằng ông Hòa tự chế tàu ngầm là “mạo hiểm”, không khả thi.
Dưới đây là một số hình ảnh về tàu ngầm Trường Sa khi di chuyển ra bể thử nghiệm vào ngày 6/1 (ảnh do nhân vật cung cấp):
Tàu ngầm Trường Sa chạy thử nghiệm vào tuần tới - 2
Hệ thống tuần hoàn khí độc lập lắp ráp bên trong tàu ngầm Trường Sa
Tàu ngầm Trường Sa chạy thử nghiệm vào tuần tới - 3
Đội kỹ sư lắp ráp hệ thống tuần hoàn khí độc lập
Tàu ngầm Trường Sa chạy thử nghiệm vào tuần tới - 4
Tàu ngầm Trường Sa chạy thử nghiệm vào tuần tới - 5
Tàu ngầm Trường Sa được đưa ra bể thử nghiệm
Tàu ngầm Trường Sa chạy thử nghiệm vào tuần tới - 6
Tàu ngầm Trường Sa chạy thử nghiệm vào tuần tới - 7
Máy cẩu đưa tàu ngầm vào bể thử nghiệm
Tàu ngầm Trường Sa chạy thử nghiệm vào tuần tới - 8
Bể nước thử nghiệm tàu ngầm 200 m3, có kích thước rộng 4m, dài 10m và cao 5m.
Đức Nguyễn (Khampha.vn)