vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:

Chuyện nhỏ tháng tư

Dạ Ngân
Văn Việt:Lại sắp  đến một ngày tháng 4 mà dưới lớp hào quang một phía của nó, ta vẫn còn nghe tiếng thổn thức trái tim bao nhiêu người mẹ Việt. Đau đớn thay, gần 40 năm trôi qua, câu chuyện nhỏ mà nhà văn Dạ Ngân kể dưới đây vẫn còn là “vấn đề của hôm nay”. 40 năm sau, người “thắng”, kẻ “thua”, người sống, kẻ chết, cả hai đều là con mẹ, mẹ yêu thương cả hai. Nhưng đứa con mà Mẹ Việt Nam trông đợi phải thay đổi thái độ cư xử lâu nay khiến mẹ đau lòng chính là đứa còn sống, đứa tốt số, đứa “thắng cuộc”. 


 Má tiễn đứa con trai đầu vào chiến khu khi nó mười tám tuổi. Không cho đi cũng không xong. Nó bóc xóc, ăn ngủ không yên, bạn bè trang lứa nườm nượp lên đường, ở nhà nó thấy nhục.

 Đứa em trai út ít ở lại với má. Không lâu sau bom đạn thổi tạt hai mẹ con má ra ven thành, trong một xóm tản cư trên bờ sông lở lói. Đứa út rồi phải lớn, tránh bị bắt lính bằng cách khi có báo động thì treo mình trốn dưới những sàn nhà trong xóm tản cư. Má giữ riệt nó bên mình, nhất định phải có một đứa ở nhà với má!

 Nó phải có căn cước và hộ tịch để đi lại cho đàng hoàng. Rồi phải tặc lưỡi, tạm đi dân vệ, cầm súng lơ ngơ cũng được, miễn má được đỡ đần. Một lần anh trai “độn thổ” trồi lên từ dưới sàn nhà, bắt gặp em vừa đi tuần về, giận dữ tát em mình một cái nổ đom đóm rồi bỏ đi biền biệt. Má khóc tấm tức, má thương cả hai đứa nhưng má không thể không giữ một đứa bên mình.

 Má cưới vợ sớm cho con trai út. Má cũng sớm có cháu nội trai như mong ước. Một đêm tối trời, đứa con dân vệ trở về trên vai một người đồng ngũ của nó. Má thấy như bị con trai lớn mình tát cho một cái, bà thấy chưa, thấy chưa? Má nghĩ, chỗ nào cũng súng với đạn, chúng có chừa ai ra mà biết bên nào còn bên nào mất, hở con?

 Má với con dâu hì hục một chuyến tam bản, thuyết phục ba cái bót và trạm cầu mới đưa được đứa con tử sỉ về chôn vội ở vườn cũ. Má ước gặp anh nó ở nơi tự do oanh kích này. Nhưng má cũng sợ con trai quay lưng, từ mặt. Có không chuyện con từ cha từ mẹ, dám lắm chớ, nó là đứa chỉ biết có một đường, không tha thứ cho lối ngang lối rẽ. Anh em du kích giúp má cái huyệt mộ và một nắm đất. Má cũng nghe nói con trai lớn thành đạt ở trong Khu.

 Tháng Tư năm Bảy lăm má khóc mừng khóc tủi. Người như bị xé làm đôi. Con dâu đã bỏ má đi bước nữa từ trước. Má thắc thỏm cùng thằng cháu nhỏ về lại vườn nhà. Con trai về qua, rạng ngời chiến thắng. “Bàn thờ này má đặt ba thì được còn thằng dân vệ thì… Lúc nào có mặt con ở đây, má làm ơn úp ảnh nó vô vách tủ nghen!”

 Má lại khóc, hết khóc nhịn thì khóc lén. Lần nào giỗ chồng, má đều nhớ úp ảnh con trai út vô trong, những khi đó mà nghe nó tủi, nó hờn, nó uất, đủ cả, má nghe thấy mà, má là mẹ mà, má biết hết. Lỗi tại má, lỗi tại má, biết bao lầm má đấm ngực nói với đứa con trai chiến thắng của mình như vậy. Nhưng nó không chịu nghe, nó không chấp nhận bất kỳ lời thanh minh nào.

 Dĩ nhiên con dâu cả của má cũng thành đạt, con trai nó vênh vang và nhà của chúng nó xênh xang. Hai đứa cháu cùng gọi má là nội nhưng là hai số phận, đỏ và đen. Đứa cháu nông dân níu bà, níu mồ mả ông cha nên lầm than, thất học. Lép một bề. Vợ con nó vì vậy mà cũng sẽ lép một bề, mãi mãi. Nhiều lần riêng tư bà cháu, má hỏi, hồi đó mấy người bạn của ba rủ con vượt biên mà con không nỡ đi, con có tiếc không? Nó mím môi lắc đầu, nó cứ nhìn xuống đôi chân chai lì của mình lắc đầu.
 Nhưng má thì cứ thế mà khóc.