Xem Kỳ 1- Phương pháp luận
Xem Kỳ 2:Thiếu kiến thức cơ sở ngôn ngữ học
Xem Kỳ 3: Lỗ hổng kiến thức Hán Nôm
Xem Kỳ 4: Kiến văn và tra cứu
Đất anh hùng có huyền thoại anh hùng. Người thông minh có giai thoại thông minh. Kẻ ngốc ngếch có giai thoại ngốc ngếch... Giáo sư Nguyễn Lân nổi tiếng là người yêu đến “say mê tiếng mẹ đẻ”(1) (Thứ tiếng chúng tôi đã nói đến trong Kỳ 6-Tiếng mẹ đẻ). GS còn là một “huyền thoại” về chính tả và ý thức chính tả.
Giai thoại “Chớ vào hầm chú ẩn” kể về GS Nguyễn Lân, được nhiều người cầm bút khai thác dưới nhiều dị bản:
-"Hồi đó, giặc Mỹ đang đánh phá miền Bắc. Một hôm có báo động, GS Nguyễn Lân ra hầm theo mũi tên chỉ, nhưng ở mũi tên, ai đó lại viết sai chính tả: “hầm chú ẩn” chứ không phải là “hầm trú ẩn”. Ông thấy như bị ai đó xúc phạm và kiên quyết không chịu vào hầm! Rồi nữa, có lần, ông cần đi vệ sinh, nhưng ở cửa lại ghi “nhà vệ xinh”, thế là Giáo sư cũng… không vào ! Có thể đó chỉ là những câu chuyện ai đó thêu dệt vì quý mến ông, nhưng đã phần nào nói được tấm lòng của nhà giáo Nguyễn Lân đối với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mà ông trọn đời tâm huyết”. (Trọn đời vì sự nghiệp trồng người- BáoCông an nhân dân)
- “Lâu nay mọi người vẫn nghe lưu truyền câu chuyện trong chiến tranh giáo sư Nguyễn Lân không chịu vào hầm dù máy bay Mỹ đã tới trên đầu, chỉ vì ngoài cửa đề chữ: Hầm “chú ẩn”. Hoặc từ chối vào “nhà vệ xinh” khi “nhu cầu đã rất cấp thiết”. Đó là những giai thoại nhưng nó cũng phần nào nói lên được sự đam mê và tấm lòng của nhà giáo Nguyễn Lân với tiếng Việt”(GS Nguyễn Lân qua ký ức những người con - Báo Quân đội nhân dân).
-“Sự quan tâm của GS Nguyễn Lân đến chính tả đạt đến mức mà có người, do mến yêu cụ, đã sáng tác ra một bức tranh hài hước trên một tờ báo tường. Bức tranh tả cảnh Hà Nội đang có báo động, máy bay Mỹ đã bay vào bầu trời Hà Nội, loa truyền thanh đang thúc giục mọi người nhanh chóng vào hầm trú ẩn nhưng cụ Lân, tuy đã đứng trước cửa hầm vẫn chưa chịu vào hầm để phản ứng trước việc ai đó đã viết sai chính tả trên một tấm biển chỉ đường ra hầm trú ẩn là: Hầm chú ẩn”.(GS Nguyễn Lân và “tư cách một người dân yêu nước" - Báo Tiền phong:).
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chưa đầy mười tuổi đã biết vắt óc “thôi xao”, sành ngôn từ mẹ đẻ đến thành “Thần”. Có lẽ bởi vậy mà với “Người thường gặp” GS Nguyễn Lân, góc nhìn thú vị về “Vua chính tả” đã được Trần Đăng Khoa khai thác triệt để. Không những thế. Dưới ngòi bút tài hoa và cái duyên kể chuyện hiếm thấy của một Nhà thơ, giai thoại về người luôn nổi giận với những ai viết sai chính tả tiếp tục được “thêu hoa, dệt gấm” thật ly kỳ. Chúng tôi cho đây là dị bản hay nhất: “Ông không tiếc sức mình trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Thấy ai nói ngọng, hoặc viết sai tiếng Việt là ông đau đớn lắm, bứt rứt lắm....Ví như có lần, người ta mời Giáo sư Nguyễn Lân đến dự một bữa tiệc linh đình. Mọi người đã ngồi vào bàn. Rượu đã rót ra cốc. Nhưng rồi Giáo sư Nguyễn Lân thấy chén rượu đắng ngắt khi nhìn thấy trên tường có một dòng khẩu hiệu viết sai đến mấy lỗi chính tả. Thế là ông đùng đùng bỏ tiệc ra về. Ông không còn bụng dạ nào ăn nổi bữa tiệc ấy . Rồi lại một lần khác nữa, lần này còn ác chiến hơn. Máy bay Mỹ nhào tới. Bom nổ dữ dội. Giáo sư Nguyễn Lân chạy ra căn hầm công cộng của khu phố, thấy trên nóc hầm lô lố một dòng chữ cũng lại viết sai chính tả: Hầm chú ẩn. Ông đâu có phải là chú. Thế là ông nhất quyết không chịu xuống hầm, mặc cho bom nổ xung quanh...”(Người thường gặp-Giáo sư Nguyễn Lân-Trần Đăng Khoa)
Giai thoại hay thần thoại cũng thường dựa trên sự thật, có cốt lõi của sự thật. Giai thoại về "Vua chính tả” Việt Nam dĩ nhiên cũng có cơ sở, ngọn nguồn của nó. Trong "Đôi lời tâm sự thay lời tựa" của “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, GS Nguyễn Lân bức xúc: “Gần đây, tôi nhận thấy trong sách báo và cả trên đài tiếng nói Việt Nam, đồng bào dùng sai nhiều từ, nhất là những từ Hán Việt...Mặt khác, trong các sách báo, lỗi chính tả tràn lan, rất ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt”. GS Nguyễn Lân còn là tác giả của các sách “Muốn đúng chính tả”; “Tôi yêu tiếng Việt”; đồng tác giả của “Từ điển chính tả phổ thông”; “Viết thế nào cho đúng”...tổng cộng tới 10 cuốn từ điển liên quan tới tiếng Việt. Lúc nào GS cũng đau đáu "vì sự trong sáng của tiếng Việt". Ở tuổi 90 Giáo sư vẫn còn "suốt ngày viết viết, xóa xóa” để “tạo ra một tác phẩm rất có giá trị mà cả xã hội mong đợi” (Lời giới thiệu Từ điển từ và ngữ Việt Nam-GS Vũ Khiêu). Điều này lý giải tại sao Giáo sư Nguyễn Đình Chú cũng đã suy tôn "GS Nguyễn Lân là Nhà biên soạn từ điển vô địch"(5) Đó chính là cốt lõi, là sự thật của giai thoại về một người thà "nhịn đói", "nhịn đau" hay “tử" vì chính tả !
Chúng ta cảm ơn "cha đẻ" của những giai thoại. Họ chính là hiện thân của dân gian: thông minh-tốt bụng-công bằng và hài hước. Dân gian ưa nói thẳng, nói thật. Nhưng họ cũng chính là bậc thầy nói ngược, “nghịch ngầm”. “Nói zậy mà hổng phải zậy” !
Khi đăng bài “Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân-mục chữ cái nào cũng có sai sót”, (xem trênTuấn Công Thư Phòng) chúng tôi có nhắc đến một số lỗi chính tả của GS. Một bạn đọc hồi đáp, “thử lý giải” hộ chúng tôi: “Phải chăng GS Nguyễn Lân có dấu hiệu của tuổi già ?” Vâng ! Quả thật, với “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS chuẩn bị 50 năm, hoàn thành trong 5 năm ở độ tuổi 90) bạn đọc cần khách quan để không loại trừ nguyên nhân này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể chủ quan loại trừ bằng một cách khác. Đó là tìm đến một cuốn sách chuyên chính tả hơn, lại được Giáo sư viết ở độ tuổi 40. Cuốn “Muốn đúng chính tả”.
Trong thư mục Cùng một tác giả, sách “Muốn đúng chính tả” (xuất bản lần đầu 1949-NXB Thịnh Đức-Chiến Khu 10) được GS Nguyễn Lân xếp vào loại “Từ điển chính tả”. Sách được NXB Văn hóa thông tinxuất bản vào các năm 2010 và 2012. Chúng tôi có trong tay cả hai bản này. Điều đáng chú ý, trước khi viết “Muốn đúng chính tả”, Nguyễn Lân đã là “GS của ba trường đại học ở Huế: Quốc Học, Đồng Khánh, Bách Công”; từng làm “Giám đốc giáo dục Liên khu 10 và Liên khu Việt Bắc”; từng xuất bản 4 cuốn tiểu thuyết và hai đầu sách khảo cứu. Như thế, GS viết “Muốn đúng chính tả” ở độ tuổi trí tuệ đang nở rộ và tinh thần minh mẫn nhất của một đời người. Của chính Giáo sư !
Các cụ nhà ta dạy: "Nói có sách, mách có chứng". Cái "chứng" sai chính tả đang bò lổm ngổm trong "rừng từ" của Giáo sư Nguyễn Lân. Ta không quá khó để nhận ra chúng. Tuy nhiên, chính tả tiếng Việt là vấn đề phức tạp. Đôi khi “Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Thế nhưng, dù còn có những bất đồng, nhưng chính tả tiếng Việt không phải không tìm được cái “chính” đồng thuận.
Khi viết, người ta có quyền chọn từ nào đó mình ưa dùng, kể cả từ “tối cổ”. Hiểu đến đâu phụ thuộc vào trình độ người đọc. Nhưng với chính tả, người viết lại luôn có xu hướng và cố gắng nương theo chuẩn chính tả hiện hành, được số đông thừa nhận. Cuốn “Muốn đúng chính tả” chúng tôi có trong tay xuất bản 2012. Bởi vậy, trước tiên chúng tôi sẽ căn cứ vào các sách Từ điển tiếng Việt, Từ điển chính tả hiện đại để so sánh. Mặt khác, chúng tôi cũng căn cứ theo số đông. Tức cách nói, cách viết phổ thông của sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường, trong đời sống cũng như sách báo hàng ngày để đi đến sự thống nhất, đồng thuận. Ngoài ra, để bổ sung thêm chứng cứ, chúng tôi cũng dẫn thêm các cuốn từ điển như: “Từ điển Việt-Bồ-La”, "Đại Nam quấc âm tự vị" "Việt Nam tự điển" (đều xuất bản trước 1945). Qua đó, ta có thể biết cha ông ta vốn có nói và viết như GS Nguyễn Lân không. Đối với những chữ còn tồn tại hai cách viết hoặc gây tranh cãi, chúng tôi bỏ qua.
Không để bạn đọc phải chờ đợi lâu. Sau đây là một số “trắc nghiệm” chính tả của GS Nguyễn Lân trong “Muốn đúng chính tả”:
Muốn đúng chính tả:
+Chảo:sanhchảo, lòng chảo.
+Sanh:xương quai sanh, sắm sanh, sạch sành sanh.
*Sai lần1: Xanh chảo chứ không phải “Sanh chảo”.
-Từ điển Việt-Bồ-La: “Xanhgang: nồi lớn, vạc, chảo, cái xanh gang”.
-Quốc âm tự vị: “Xanh: thứ chảo đứng vành”.
-Việt Nam tự điển: “Xanh. Đồ làm bếp, sâu lòng, thành đứng, thường làm bằng đồng. Văn liệu: Xanh không thủng cá đi đằng nào (tục ngữ) Thịt một Xanh không hành cũng không thơm (T-ng).
-Từ điển chính tả-Hoàng Phê (gọi tắt 1) Từ điển chính tả tiếng Việt-Nguyễn Thế Truyền (gọi tắt 2): Xanh (bắc xanh lên bếp).
*Sai lần 2:Viết đúng Xương quai Xanh (vần X),không phải “xương quai Sanh” (vần S). Xương quai xanhchính là cách gọi xương đòn, do nó ở hai bên vai người, hình dáng giống như hai cái quai của cái xanh (chảo). Các sách từ điển trước 1945 và một số từ điển chính tả hiện đại không thấy ghi nhận “xương quai xanh”. Nhưng TĐTViệt cho biết: “Xương quai Xanh đồng nghĩa xương đòn”. Ngoài ra, trong đời sống hàng ngày cũng như sách báo, y học đều ghi nhận là xương quai Xanh chứ không phải “quai Sanh”.
“Muốn đúng chính tả”:
- Chỗi.Chỗi dậy, chỗi gót.
*Sai: Viết đúng là TRỗi dậy (vần TR), không phải “CHỗi dậy” vần CH. Đây là cái sai theo kiểu của chữ viết ở hầm "chú ẩn" mà GS Nguyễn Lân từng phản đối (theo giai thoại).
-Từ điển tiếng Việt:“TRỗi: 1.nhổm người dậy không nằm nữa. trỗi dậy: đang nằm bỗng trỗi người lên nhìn; 2. dấy lên, nổi lên mạnh mẽ. nỗi nhớ trỗi lên.
-Từ điển chính tả(1 + 2) trỗi dậy; âm nhạc trỗi lên, tình cảm trỗi lên, tiếng hát trỗi lên.
“Muốn đúng chính tả”:
- Dãi.dãi nắng, dãi dầu, Dãi thể...
*Sai: GIải thể (vần GI) không phải “Dãi thể” (vần D). Chứng cứ: Từ điển tiếng Việt, Từ điển chính tả(1+2) đều ghi nhận GIải thể. Sách báo hàng ngày đều đồng thuận.
“Muốn đúng chính tả”:
-Giấn.giấn xuống, giấn thân, giấn mình.
*Sai:Ta có thể chấp nhận “giấn xuống” đồng nghĩa với động từ nhấn hay nhận, dìm cái gì xuống (theo quy luật biến âm như: giăn-nhăn (nhăn nheo) gián-nhán (con gián). Tuy nhiên Dấn trong “dấn thân”, “dấn mình” phải là vần D, không phải GIấn vần GI. Trong thực tế cũng không thấy biến âm “giấn thân” thành “nhấn thân” hay “nhấn mình”.
-TĐTViệt: Dấn 2. tiến mạnh, vươn mạnh tới, bất chấp nguy hiểm.dấn thân: Dấn thân vào con đường tội lỗi.
-Từ điển chính tả (1+2) đều ghi nhận: dấn thân, dấn mình.
“Muốn đúng chính tả”:
+Giộp:bỏng giộp da, giộp vỏ.
*Sai: Bỏng Rộp, Rộp vỏ (vần R) không phải “GIộp” (vần GI).
-TĐTViệt:“rộp [lớp da hoặc lớp vỏ mỏng bên ngoài] phồng lên, thường vì nóng quá. bàn tay rộp lên. lớp sơn đã rộp.
-Từ điển chính tả (1+2): Rộp: tay bỏng rộp, rộp da; bỏng rộp cả da.
“Muốn đúng chính tả”:
+Dơm:Dơm dớm
+Dớm:Dớm máu, dơm dớm.
*Sai:Rơm rớm, Rớm máu (vần R) không phải Dơm, Dớm (vần D).
- TĐTViệt: “Rơm rớm: rớm ra chút ít trên bề mặt. tay rơm rớm máu; rơm rớm nước mắt.
-Từ điển chính tả (1+2) Rơm: rơm rớm; Rớm: rớm nước mắt, rớm máu; vết thương rớm máu.
“Muốn đúng chính tả”:
-Rú: rú lên, mừng rú.
-Giu: GIu giú trong xó nhà.
-Giú:ngồi GIú một xó, ngồi GIu giú.
*Sai: Ru Rú (vần R), không phải "GIu GIú" (vần GI). Cái sai của GS nhất quán ở cả hai mục từ "giu" và "giú" chứ không phải lầm lỡ một lần. Việt Nam tự điển: "Rú: trỏ bộ co ro một chỗ. Ngồi Ru Rú trong xó nhà". Các sách từ điển như: Từ điển tiếng Việt, Từ điển chính tả (1+2) ở cả hai mục từ ru và rú đều ghi nhận cách viết "ru rú" chứ không phải "giu giú".
“Muốn đúng chính tả”:
-Dũ:quyến dũ.
*Sai: Chỉ có quyến Rủ hoặc quyến Rũ, không có "quyến dũ". Ví dụ: Quyến anh rủ én sự này tại ai ?(Kiều).
- Từ điển tiếng Việt: "quyến Rũ: làm cho người ta mê mẩn mà theo. Bị sắc đẹp quyến rũ. giọng hát quyến rũ".
-Từ điển chính tả (1+2) đều ghi nhận: quyến rũ.
“Muốn đúng chính tả”:
-Rúi: con rúi.
*Sai:con Dúi (vần D), không phải con Rúi (vần R). Các sách Việt Nam tự điển, Quốc âm tự vị không ghi nhận từ "dúi" trong con dúi. Tuy nhiên Từ điển tiếng Việt và Từ điển chính tả(1+2) đều ghi nhận: con Dúi; con Dúi ăn rễ cây.
“Muốn đúng chính tả”:
-Trạnh:trạnh lòng, trạnhthương, trạnh niềm, cá trạnh.
*Sai cả 3 từ: Viết đúng phải là: CHạnh lòng, chạnh thương, chạnh niềm (vần CH) không phải TRạnh (vần TR).
-Việt Nam tự điển: CHạnh: cảm động: chạnh thương, chạnh nhớ, chạnh tưởng. Chạnh lòng: cảm động.
-Từ điển chính tả (1+2) chạnh lòng.
-Từ điển Truyện Kiều: CHạnh: cảm động. Vd Nỗi niềm riêng chạnh. Chạnh niềm: Chạnh lòng, động lòng mà nghĩ nhớ. Ví dụ: Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ.
“Muốn đúng chính tả”:
-Trèn.cá trèn, nông trèn trẹt.
*Sai: CHoèn choẹt vần (CH) không phải TRèn trẹt (vần TR); Mặt khác, vần oèn và oẹt không phải vần “...èn” và “...ẹt”.
-Việt Nam tự điển: Choèn: giếng nông choèn choèn.
-Từ điển chính tả 1: Choèn: choèn choèn, nông choèn.
-Từ điển chính tả 2:Choèn: hầm nông choèn; choèn choèn, choèn choẹt.
“Muốn đúng chính tả”:
-Xàm:nói Xàm, xàm xĩnh, Xàm Xỡ, cái xàm xạp.
-Xỡ:Xàm Xỡ.
*Sai:Sàm sỡ (vần S), không phải “Xàm xỡ” (vần X).
-Quốc âm tự vị:Sàm: gièm. Sàm nịnh, Sàm siểm, sàm dua, sàm ngôn.
-Việt Nam tự điển:“Sàm nói dèm: Miệng sàm dệt gấm thêu hoa. Sàm báng: dèm pha: nghe lời sàm báng mà làm hại kẻ trung lương”.
-Từ điển tiếng Việt:“Sàm sỡ. ăn nói sàm sỡ. cử chỉ sàm sỡ”; sàm ngôn. lời gièm pha, nói xấu. lời sàm ngôn.
-Từ điển Truyện Kiều:Sàm sỡ: Sỗ sàng, thô bỉ. Vd Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng ?
-Từ điển chính tả(1 và 2) Sàm: sàm báng, sàm nịnh, sàm sỡ.
-Hán Việt tự điển(Thiểu Chửu) Sàm: Gièm pha, thêu dệt các lời nói bậy làm cho mất cái hay cái phải của người đi gọi là sàm”.
“Muốn đúng chính tả”:
-Xạm:xạm mặt, đen xạm.
*Sai lần 1:Sạm mặt (vần S) không phải “Xạm mặt” (vần X).
-Quốc âm tự vị:Sặm: sặm màu: màu đậm. Sặm nước da: màu da có màu nhiều.
-Việt Nam tự điển: Sạm: xám đen lại. đi nắng sạm da. Sạm mặt nghĩa bóng: làm cho phải xấu hổ. Bị mắng sạm mặt.
Như vậy “Sặm” hay “Sạm” đều có sự thống nhất trong cách phát âm và viết làvần S, không phải vần X.
“Muốn đúng chính tả”:
-Xì:xì hơi, pháo xì, đen Xì
*Sai: Đen Sì (vần S) không phải đen Xì (vần X).
-Việt nam tự điển: Sì: nói cái sắc đen lắm: Người đen Sì, Trời tối đen Sì.
-TĐTViệt: Sì. đen sì; mặt gỗ nhám sì; môi thâm sì.
-Từ điển chính tả(1+2) đều ghi nhận đen Sì, không phải đen Xì.
“Muốn đúng chính tả”:
-Soe:bộ sun soe.
* Sai: Xun xoe (vần X) không phải Sun soe (vần S).
-Việt Nam tự điển:Xun xoe: trỏ bộ chạy đi chạy lại loanh quanh một chỗ: thằng bé chạy xun xoe.
-TĐTViệt:Xun xoe: từ gợi tả dáng vẻ, cử chỉ săn đón, vồn vã quá đáng nhằm nịnh nọt. Bộ dạng xun xoe; chỉ giỏi xun xoe nịnh bợ.
-Từ điển chính tả (1+2): đều ghi nhận Xun Xoe
“Muốn đúng chính tả”:
-Xóng:ngã Xóng xoài.
*Sai: Vẫn là kiểu sai ở nhà “vệ xinh”: Sóng Soài (vần S) không phải Xóng Xoài (vần X).
-Việt Nam tự điển:Sóng sượt: nói cái bộ nằm dài thẳng cẳng ra. Ngã sóng sượt, nằm sóng sượt.
-TĐTViệt:Sóng soài như Sóng sượt. Ngã sóng soài.
-Từ điển chính tả (1+2) đều ghi nhận Sóng soài, không có “xóng xoài”.
“Muốn đúng chính tả”:
-Sỡ:Xặc sỡ
* Sai: Sặc sỡ (sặc vần S) không phải “Xặc sỡ” (vần X).
-Từ điển Việt-Bồ-La: Hoa sắc sỡ; nhiều màu sắc.
-Quốc âm tự vị: Sặc sờ: có nhiều sắc xen lộn không đều. Lao xao đáy biếc sặc sờ dòng xanh. Sỡ: sắc sỡ: Màu sắc khác nhau. Rỡ: Cùng một nghĩa. Rắn hoa sắc sỡ: Rắn nhiều màu sắc khác nhau.
-Việt nam tự điển:“Sặc sờ: cũng như sặc sỡ. Sặc sỡ: nói về nhiều màu, nhiều sắc không đều chen lẫn nhau và khó coi: quần áo sặc sỡ.
“Muốn đúng chính tả”:
-Sực:sực nhớ, sực nức, nó sực hết rồi.
*Sai: Từ “Xực” vốn là chữ 吃(ngật) gốc Hán nghĩa là ăn uống nói chung. Khi Việt hóa được đọc là “Xực” cũng chỉ ăn uống nhưng với nghĩa xấu, thô tục.
- TĐTViệt:Xực: ăn [hàm ý thô tục] đồng nghĩa đớp, hốc, tọng.
-Từ điển chính tả (1+2) đều ghi nhận “Xực”: Xực = ăn. Xực hết nồi cơm nguội.
“Muốn đúng chính tả”:
-Chun:có người dùng lầm thay chui.
Về nghĩa từ vựng, GS Nguyễn Lân lầm chứ không phải “có người dùng lầm”. Ở Thanh Hóa (ví dụ vùng Nông Cống) từ “chun” được dùng với nghĩa là chui. “Chun” cũng được Việt Nam tự điển, TĐTViệt ghi nhận là phương ngữ với nghĩa “chui”(chui ra chui vào).
“Muốn đúng chính tả”:
-Trun:dây TRun, trun giãn.
-Giãn:TRun giãn, giãn thợ.
*Sai:Dây CHun (vần CH), không phải dây “trun” (vần TR); Chun giãn không phải “Trun giãn”. Đây có vẻ giống như trường hợp “đá bóng ra ngoài còn khó hơn đá vào trong”.
-Từ điển tiếng Việt: “CHun. danh từ: dây chun [nói tắt] đứt chun quần. sợi chun buộc hàng; động từ [vật có khả năng co giãn] tự co lại, thu ngắn lại. sợi đã chun lại. đỉa chun mình. “Mắt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng ngắt và nghẹn bứ trong cổ” (Kim Lân) đồng nghĩa: thun.
-Từ điển chính tả(1+2) đều ghi nhận dây CHun, CHun giãn.
Phần “trắc nghiệm” trình độ chính tả của GS Nguyễn Lân trong cuốn sách được chính tác giả xếp vào loại “từ điển chính tả” xin được tạm dừng ở đây. Nhiều vấn đề trong "Muốn đúng chính tả"vẫn còn là câu chuyện dài. Chúng tôi xin được nói đến vào một dịp khác.
Như vậy, vẫn là cách làm ngược thường thấy của GS Nguyễn Lân: sách "Muốn đúng chính tả" đã trở thành "Muốn sai chính tả"!
HTC
(Hết phần I)
Đón xem phần II
Năm mươi năm sau
- Những sách đã dẫn và tham khảo:
1,“Đại Nam quấc âm tự vị”(Dictionnaire ANNAMMITE) Huình Tịnh Paulus Của - Sài Gòn 1895.
2,Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam - GS Nguyễn Lân (NXB Văn Hóa - 1989)
3,Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí Tiến Đức - Nhà in Trung Bắc Tân Văn - 1931 (bản Scan của vietnamtudien.org )
4, Từ điển An Nam-Lusitan-La tinh (Thường gọi Từ điển Việt - Bồ - La) Alexandre De Rhodes - Phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội - 1991.
5, Hán Việt tự điển - Thiều Chửu - NXB Thành phố Hồ Chí Minh - 2004.
6. Hán Việt Từ điển - Đào Duy Anh biên soạn - Hãn Mạn Tử hiệu đính - NXB Trường Thi - Sài Gòn 1957.
7. Từ điển truyện Kiều-Đào Duy Anh-NXB Khoa học xã hội-1974.
8. Từ điển chính tả-Hoàng Phê-NXB Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học-2006.
9.Từ điển tiếng Việt-Hoàng Phê chủ biên-In lần thứ 5 có sửa chữa bổ sung-NXB Đà Nẵng-2013.
9.Từ điển chính tả tiếng Việt-Nguyễn Thế Truyền-NXB Thanh Niên-2012.
10.Từ điển từ láy tiếng Việt-Viện ngôn ngữ học-NXB Khoa học xã hội-2011.
Cùng nhiều loại từ điển, nguồn sách báo khác.