Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Thomas Friedman: Những người Quảng trường- Phần 1

Thomas Friedman, The New York Times
    Huỳnh Hoa dịch
 
Thomas Friedman
Huỳnh Hoa:Tâm trạng chán quá, không viết lách gì được! Ngồi dịch một bài bình luận mới của Thomas Friedman (tác giả Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây ô-liu...) cho nhẹ bớt đầu óc vì vụ Biển Đông. Bài này, Thomas viết ở Hà Nội, ngay trước khi rời Việt Nam và đăng báo The New York Times sáng nay 14-5. Tuy không thời sự như bài “Những đôi đũa” mà Thomas viết vài hôm trước, nhưng bài này có đề tài rộng hơn, viết về bạn, về tôi, về chúng ta, về lớp người mà ông ta đặt tên là “Những người Quảng trường”.

 Tôi nghĩ, tôi sẽ lập kế hoạch đi từ Kiev tới Hà Nội thường xuyên hơn. Chỉ khi nào bạn đi tới hai nơi có vẻ như không liên can gì với nhau bạn mới nhìn thấy các xu hướng lớn, và một trong các xu hướng lớn mà tôi chú ý là sự trỗi dậy của “Những người Quảng trường”.

Năm 2004, nhà khoa học chính trị của Đại học Harvard, giáo sư Samuel Huntington, đã viết về một “giai cấp siêu đẳng” toàn cầu đang nổi lên, “Những người Davos” – ám chỉ những người tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos – một tầng lớp tinh hoa toàn cầu, xuyên quốc gia, chọn ra từ lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, tập đoàn đa quốc gia, giới hàn lâm và các tổ chức phi chính phủ. Ông Huntington cho rằng, Những người Davos có “rất ít nhu cầu trung thành với quốc gia”, và họ có nhiều điểm chung với nhau hơn là với đồng bào mình. Họ cũng có những kỹ năng để kiếm lợi một cách không tương xứng từ công cuộc toàn cầu hóa thị trường và công nghệ thông tin mới xuất hiện.

Thế nhưng, chỉ một thập niên sau, khi cuộc cách mạng công nghệ thông tin và toàn cầu hóa đã được dân chủ hóa và lan rộng – chúng ta đã chuyển từ máy tính xách tay cho giới tinh hoa sang điện thoại thông minh (smartphone) cho tất cả mọi người, từ mạng truyền thông chỉ dành cho số ít người may mắn ở Davos đến Facebook cho mọi người và từ việc chỉ một số người giàu mới được lãnh đạo lắng nghe trong những hội trường quyền lực sang tất cả mọi người đều có thể phản hồi thông tin tới lãnh đạo thông qua Twitter – một lực lượng chính trị toàn cầu mới đang được thai nghén, lớn hơn và quan trọng hơn Những người Davos. Tôi gọi họ là Những người Quảng trường.

Họ phần lớn là những người trẻ, khao khát một tiêu chuẩn sống cao hơn, tự do hơn. Họ đang tìm kiếm sự cải tổ hoặc cách mạng (tùy theo chính phủ hiện hành của họ là gì). Họ kết nối với nhau hoặc bằng cách tập trung trên các quảng trường, hoặc thông qua các quảng trường ảo, hoặc cả hai. Họ ít kết liên với nhau theo một chương trình chung mà phần lớn bởi cùng chia sẻ một phương hướng mà họ muốn xã hội đi theo. Giờ đây chúng ta nhìn thấy họ trên các quảng trường ở Tunis (Tunisia), Cairo (Ai Cập), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), New Delhi (Ấn Độ), Damascus (Syria), Tripoli (Libya), Beirut (Lebanon, Li băng), Sana (Yemen), Tehran (Iran) Moscow (Nga) Rio (Argentina), Tel Aviv (Israel) và Kiev (Ukraine), cũng như trên các quảng trường ảo của Saudi Arabia, Trung Quốc và Việt Nam.

Cả ba quốc gia cuối danh sách trên đều có một số lượng lớn phi thường những người sử dụng Facebook, Twitter và YouTube, hoặc những dịch vụ tương
tự ở Trung Quốc, mà cộng chung lại, sẽ tạo ra một quảng trường ảo, nơi họ kết nối, thúc đẩy thay đổi và thách thức nhà cầm quyền. Người viết blog nổi tiếng nhất Việt Nam, ông Nguyễn Quang Lập, có số người theo đọc nhiều hơn bất kỳ tờ báo nào của chính phủ. Ở Saudi Arabia, một trong những từ khóa Twitter phổ biến nhất là “Nếu tôi gặp nhà vua, tôi sẽ nói”.

Và Những người Quảng trường đang ngày càng đông hơn, mạnh mẽ hơn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo tập đoàn Viettel – một tập đoàn viễn thông Việt Nam – nói với tôi rằng: “Mục tiêu của chúng tôi là trong ba năm nữa, mỗi người dân Việt Nam đều có một smartphone. Giờ đây, chúng tôi đang sản xuất một loại smartphone có giá dưới 40 USD và mục tiêu nhắm tới là 35 USD. Chúng tôi thu phí mỗi tháng 2 USD cho việc kết nối internet bằng máy tính để bàn, 2,5 USD cho dịch vụ từ smartphone”. Bởi vì báo chí ở Việt Nam bị kiểm duyệt kỹ nên không phải ngẫu nhiên mà có tới 22 triệu trong số 90 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook. Chỉ mới hai năm trước, con số này là 8 triệu người. Việt Nam hiện có khoảng 100.000 sinh viên đang học tập ở nước ngoài; một thập niên trước con số chỉ bằng 1/10 hiện nay. Tất cả đều là Những người Quảng trường tương lai.

Cần khẳng định rằng, Những người Quảng trường đại diện cho một xu hướng chính trị đa dạng, kể cả Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập và chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Kiev. Nhưng xu thế chủ đạo đang lay động họ là: “Bây giờ chúng tôi đã có công cụ để thấy mọi người sống như thế nào, kể cả các cơ hội ở nước ngoài và các lãnh đạo tham nhũng ở trong nước, và chúng tôi sẽ không chịu đựng vĩnh viễn sống trong một hoàn cảnh mà chúng tôi không thể phát huy hết tiềm năng của mình. Và giờ đây chúng tôi cũng có công cụ để hợp tác cùng nhau làm một điều gì đó về chuyện này”.

Như một chuyên gia đối ngoại của Việt Nam nhận định, Những người Quảng trường theo cách này hoặc cách khác “đang đòi hỏi một khế ước xã hội mới” so với đội cận vệ cũ đang thống trị chính trị. “Người ta muốn tiếng nói của mình được lắng nghe trong mọi cuộc tranh luận quan trọng,” cho dù đó là chuyện trường học tốt hơn, đường sá tốt hơn hay chuyện nhà nước pháp quyền. Và họ cũng nhanh chóng so sánh với các dân tộc khác: “Tại sao người Thái Lan đi biểu tình được mà chúng tôi thì không?”

Những người Quảng trường ở Ukraine muốn liên kết với Liên minh châu Âu – không chỉ vì họ nghĩ đó là chìa khóa tiến tới sự thịnh vượng, mà còn vì họ nghĩ, luật pháp châu Âu, những đòi hỏi về quy tắc tư pháp, về tiêu chuẩn, và tính minh bạch sẽ tạo ra những thay đổi ở trong chính đất nước mình, những thay đổi không thể tạo ra từ bên trên hoặc bên dưới. Những người cải cách ở Việt Nam muốn gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng với những lý do tương tự như vậy. Không giống Những người Davos, Những người Quảng trường muốn dùng nền kinh tế toàn cầu để cải cách đất nước mình chứ không phải nổi lên trên nó.

Tôi đã nói chuyện về toàn cầu hóa tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau đó tôi trò chuyện với một cô gái trẻ, Anh Nguyen, 19 tuổi, một sinh viên đã nêu vài câu hỏi thú vị. Cuộc trò chuyện với cô gái được điểm xuyết bằng câu chuyện về Quảng trường: “Tôi cảm thấy mạnh mẽ… Tôi nghĩ Việt Nam có thể thay đổi… Hãy nói cho thế giới biết về vụ án biển thủ lớn này [tại một tập đoàn vận tải biển quốc doanh] vừa bị phanh phui ở đây. Ngày trước, mọi người chắc sẽ im lặng, nhưng bản án đã được đưa ra; các ông chủ bị kết án tử hình… Nó làm mọi người thật sự ngạc nhiên… Giờ đây không phải mọi ông chủ lớn đều được nhà nước bảo vệ… Chúng tôi có nhiều nguồn tin khác nhau từ thế giới. Nó mở rộng tầm mắt”… Cô gái có nhiều cơ hội để phát huy khả năng của mình, nhiều hơn cha mẹ cô, cô nói, “Nhưng chưa nhiều như tôi muốn”.

Ngoài Những người Davos, có Những người Quảng trường đang đến.


Nguồn:
http://www.nytimes.com/2014/05/14/opinion/friedman-the-square-people-part-1.html?emc=edit_tnt_20140513&nlid=15975&tntemail0=y

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét