Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Cô gái sinh năm 1996 học bổ túc, kiếm 40 triệu/tháng

Để có thời gian kinh doanh nên cô gái 18 tuổi Hải Yến chuyển sang học bổ túc. Bán quần áo từ năm lớp 11, hiện giờ Yến là chủ hai cửa hàng, với thu nhập trung bình 40 tr

Phạm Hải Yến (18 tuổi, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), vừa học xong chương trình bổ túc. Thay vì tiếp tục thi đại học thì Yến tạm gác con đường học vấn để tập trung hoàn toàn vào công việc kinh doanh quần áo, mỹ phẩm.

9X bươn chải

Hải Yến có một tuổi thơ khá nhọc nhằn. Ba mất từ năm 2 tuổi vì bệnh, cuộc sống của cả nhà phụ thuộc vào đồng tiền bán trái cây ở chợ Tân Phong của mẹ Yến. Cô gái sinh năm 1996 nhớ lại: "Trước đó ba mình làm công nhân, mẹ bán hàng nên cuộc sống khá đầy đủ. Sau này, một mình mẹ phải lo cho mình và em gái ăn học nên có phần vất vả hơn. Bản thân  mình, từ bé xíu đã ra phụ mẹ bán trái cây sau giờ học đến tận 11 giờ đêm".

Trước khi thành bà chủ 2 cửa hàng thời trang, Yến có thời gian dài theo mẹ đi bán trái cây.
Suốt quãng thời gian học sinh của Yến quen thuộc với một lịch trình. Sau giờ học trên lớp, cô gái chạy ra chợ phụ bán rồi tạt về nhà lo chuyên cơm nước. Khi nào nhiều bài vở thì học đến 9h tối lại ra chợ bán hàng hoặc mang sách vở ra vừa bán vừa học. "Ngày nào mẹ cũng bán từ 5 giờ sáng đến đêm, có khi ngủ lại ở sạp hàng nên mình cố gắng phụ giúp. Mẹ dù vất vả nhưng không bao giờ để hai người con thiếu thốn điều gì. Lúc còn nhỏ, mình chỉ ước muốn sớm đi làm, có thật nhiều tiền giúp mẹ", Hải Yến tâm sự.

Có những thời điểm động lực sớm kiếm tiền của Yến trở nên mạnh mẽ. Đó là khi mẹ cô suy sụp vì lỗ nặng vì thử mở cửa hàng tạp hóa. Là thời điểm Yến chỉ muốn bật khóc khi thấy mẹ, dù bị tông xe phải nằm viện nhưng vẫn ráng dành nửa ngày đi bán hàng.

Cô gái chăm chỉ cùng mẹ bán trái cây cho đến đầu năm lớp 11 thì chuyển sang bán quần áo online. Hải Yến kể: "Khi ấy, mình thấy một chị bán khá lời và bản thân mình cũng mê thời trang nên cũng muốn thử sức. Mình tham khảo thấy bán mặt hàng này cũng khó lỗ, vì thế mới xin mẹ 2,5 triệu để nhập hàng. Mẹ thì rất thương mình, nên sau khi hỏi đã suy nghĩ kỹ chưa thì liền đồng ý".

Với chừng ấy số tiền, cô chỉ nhập được chưa đến 20 bộ quần áo. Yến chụp hình từng bộ và đăng tải lên trang cá nhân. Và chỉ sau 3 ngày, số hàng đã bán hết nhanh chóng đến chính Yến cũng bất ngờ. Khi ấy, cầm khoảng 1 triệu tiền lời trong tay, nữ sinh 9x rất vui và đưa hết cho mẹ số tiền lần đầu tự kiếm được.

Đưa tiền rồi Yến lại xin thêm để tiếp tục nhập hàng. Tuy nhiên, cô vẫn chỉ lấy số lượng ít, chưa dám bán hàng với số lượng lớn.

Muốn nghỉ học để kinh doanh

Công việc bán hàng online của cô diễn ra suôn sẻ, ổn định. Một thời gian sau, Yến nhập hàng nhiều gấp 7 lần so với lần đầu tiên. Khi ấy, ngoài bán qua mạng cô gái còn mang quần áo ra cả vỉa hè ở chợ Tân Phong bán mỗi tối. "Như nhiều người nhận xét là mình khá có duyên bán hàng nên đều bán khá chạy.Vì vậy những lần sau mình càng lấy nhiều đồ hơn", Yến nói.

Yến phải thuyết phục mẹ để được học bổ túc nhằm tập trung cho kinh doanh.

Thời điểm ấy, thu nhập của cô là điều mà không phải học sinh lớp 11 nào cũng làm được. Sau khi trừ hết chi phí, trung bình mỗi tháng Yến cũng thu được khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, cái giá đánh đổi là quỹ thời gian bận rộn tăng dần, những lần đi phải giao hàng xa cả 30 km hay phải giao lúc 11 giờ đêm, có khi chẳng kịp ăn cơm... Và ảnh hưởng lớn nhất đến cô là chuyện học tập.

Yến thừa nhận: 'Mình gần như không còn thời gian dành cho học nhưng vì cứ nghĩ đến số tiền kiếm được lại thấy thích nên càng ham và lơ là chuyện bài vở. Học hành sa sút, thầy cô gọi điện về nhà than với mẹ mình. Mẹ thấy vậy thì buồn lắm và yêu cầu mình tập trung vào học tập, không cần mình phải kiếm tiền nữa".

Tuy nhiên, thời điểm ấy trong suy nghĩ của cô nữ snh lớp 11 chỉ có chuyện buôn bán. Yến nói với mẹ cho thêm thời gian để kinh doanh, nếu không thành công thì sẽ tập trung vào học. Cuối năm lớp 11, Yến chỉ muốn được nghỉ học để có nhiều thời gian cho công việc.

Cuối cùng, sau nhiều lần thuyết phục, đến năm lớp 12 thì cô được mẹ đồng ý cho chuyển xuống học bổ túc. Ở hệ đào tạo này, Yến chỉ phải học vào thứ 7, chủ nhật nên có nhiều thời gian cho chuyện bán buôn. Cô gái chia sẻ: "Mình thực sự muốn tạm dừng chuyện học hơn, việc chuyển sang hệ bổ túc cũng chỉ là để có tấm bằng tốt nghiệp".

Cô chấp nhận việc học bổ túc. Ảnh: NVCC

Theo lời Yến, người mẹ muốn con gái mình được học cao, trở thành một giáo viên cho đúng truyền thống của dòng họ. Trước khi sa sút học tập, Yến từng có 10 năm là học sinh giỏi, nhiều năm học được bầu làm lớp trưởng.

Thu nhập 40 triệu/tháng và đưa hết cho mẹ

Sau khi thoải mái hơn trong việc học, việc đầu tiên Yến làm là... thuyết phục mẹ nghỉ bán trái cây. Lúc đó, cô gái muốn mở cửa hàng ngay tại nhà mình, nên muốn mẹ phụ bán hàng. "Mẹ ban đầu không đồng ý, mình phải mất 1 tuần thuyết phục. Sau đó, nhờ mọi người giúp 50 triệu và thêm 30 triệu của mình để đầu tư".

Mẹ Yến giờ không bán trái cây mà tập trung phụ cô bán quần áo.

Việc buôn bán ở cửa hàng đầu tiên cũng có lời nhưng Yến không hài lòng vì "chủ yếu vẫn là khách quen đến mua, không có nhiều khách vãng lai". Vì vậy, đến tháng 4/2014, cô gái quyết định mở thêm cơ sở mới ở một vị trí thuận lợi hơn cho việc kinh doanh.

Cửa hàng thứ 2 mang lại lãi nhiều hơn hẳn, tuy nhiên đến tháng thứ 2 thì Yến gặp trục trặc. Do ảnh hưởng từ việc gia đình nên cô không tập trung kinh doanh, ít lấy đồ, hàng tồn kho nhiều và mất một lượng khách chuyên mua sỉ. Chỉ khi có những lời khuyên nhủ cố gắng của mẹ, Yến mới tập trung trở lại.

Bên cạnh đó, 9X ở Biên Hòa vẫn duy trì bán hàng online và kiêm thêm cả bán mỹ phẩm. Nhờ đó, tính tất cả thì mỗi tháng Yến thu lời được khoảng 40 triệu đồng. "Giờ mình gần như là trụ cột của cả nhà nhưng thu được được bao nhiêu tiền, mình đều đưa hết cho mẹ, khi cần tiêu xài gì thì lại xin lại", Yến cho biết.

Dự định sắp tới, Yến sẽ tìm hiểu để mở thêm cửa hàng ở TP.HCM. Ngoài ra, cô gái 18 tuổi sẽ thi đại học vào năm sau. Hiện tại, cô vẫn đều đặn đi học thêm để có thể thi đậu vào khoa Tiếng Anh, ĐH  Đồng Nai. Yến chia sẻ: "Mình học cho mình và cả mẹ. Mình muốn trở thành một người phụ nữ không chỉ kiếm nhiều tiền mà còn có học thức tốt".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét