vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay: Thứ Năm, ngày 23 tháng 01 năm 2025

Cáo phó

Trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội, Hội địa lý Việt Nam, Hội hang động Việt Nam cùng gia đình thương tiếc báo tin:

Ông NGUYỄN QUANG MỸ
Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học
Nhà giáo Nhân dân, Giảng viên cao cấp
Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam
Chủ tịch Hội Hang động Việt Nam
Chủ nhiệm Khoa Địa lý - Địa chất (1984 - 1988)
Chủ nhiệm Khoa Địa lý (1996 - 2000)
55 tuổi đảng
 Từng là  đảng ủy viên đảng bộ Trường đại học tổng hợp Hà Nội

Nghỉ hưu năm: 2005
Sinh: 20/12/1936 tại thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cư trú tại Khu Tập thể Vĩnh Hồ, Quận Đống Đa, Hà Nội.
Sau thời gian bị lâm bệnh nặng, đã từ trần vào lúc 3 giờ 15 phút sáng ngày 25/2/2014.
----
Lễ Viếng, Lễ truy điệu tổ chức tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng ngày 4/3/2014 ( nhằm 4/2 Giáp Ngọ) tổ chức Lễ viếng.
Bắt đầu từ 10 giờ tổ chức Lễ truy điệu.
-----------------------------------------------------------------------------------

BÀI VIẾT VỀ NHÀ GIÁO, GSTS NGUYỄN QUANG MỸ TRONG SÁCH" MỘT TRĂM CHÂN DUNG- MỘT THẾ KỶ" nhân kỷ niệm 100 năm thành lập ĐHQGHN (1906 – 2006).

Tôi đã từng nghe nhiều về ông - chuyên gia hang động Việt Nam hay ông vua của hang động Việt Nam, nhưng đến khi được gặp ông, chuyện trò cùng ông tôi mới cảm nhận được sự uyên thâm trong từng câu nói, từng cử chỉ cẩn trọng của một người nghiên cứu khoa học, một nhà giáo lâu năm...
GS.TS.NGƯT Nguyễn Quang Mỹ sinh năm 1939 tại Ba Đồn (Quảng Bình). Ông là anh cả của gia đình có 8 người con, trong đó có các nhà văn kiêm nhà báo Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Vinh. Tuổi thơ ông là một chuỗi những ngày gian khổ, khó khăn, song đầy ắp ước mơ, hoài bão. Và chính từ cuộc sống đầy vất vả cực nhọc đó, chính vùng đất cát trắng ấy đã nuôi dưỡng, thúc giục ý chí phấn đấu vươn lên để đền đáp lại công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, của quê hương.

Khi còn nhỏ, cha công tác ở Việt Bắc xa xôi, đồng lương của cha được trả bằng thóc ở địa phương, các em đông, cậu bé Nguyễn Quang Mỹ đã từng phải đi bán nước chè xanh, kẹo bánh, sách vở... kiếm tiền giúp mẹ nuôi các em ăn học. Bên dòng sông Gianh xanh biếc, hiền hoà, những lúc nước cạn, cùng với bạn bè cậu bé Mỹ lại đi bắt cá, bắt cua... để tăng thêm "chất đạm" cho bữa cơm đạm bạc trên miền quê cát trắng. Nói "cơm" cho oai chứ khoai khô xéo, khoai củ luộc coi như những bữa ăn "trường kỳ". Cuộc sống cứ như vậy, kéo dài đến hết thời kỳ giảm tô và cải cách ruộng đất. Đông xuân 1952 - 1953 do chiến tranh ác liệt, gia đình chạy giặc, cậu bé Mỹ lúc đó đã dắt dìu ba em nhỏ tay bồng, tay bế đi xin kiếm ăn nơi đất khách quê người và một tháng sau đó thì được tổ chức đưa trở lại chiến khu...

Thời gian quê hương còn trong vùng bị chiếm, cậu thiếu nhi Nguyễn Quang Mỹ đã tham gia du kích. Giặc đến, nhân dân sơ tán tạm thời lên vùng núi, cậu bé đã cùng đồng đội, tay súng, tay lựu đạn góp phần chặn đứng quân thù giày xéo quê hương. Nguyễn Quang Mỹ vừa chăm chỉ lao động, vừa đi học, vừa tham gia dạy bổ túc văn hoá vào những giờ rảnh rỗi. Trong phong trào diệt dốt năm 1956 - 1957, Nguyễn Quang Mỹ đã được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua ái quốc của tỉnh Quảng Bình, được Bác Hồ tặng ảnh có ký tên Người. Từ những thành tích đó, 18 tuổi, Nguyễn Quang Mỹ được đưa ra Hà Nội học tập tại trường Bổ túc Văn hoá Công nông - mái trường cách mạng sau chiến tranh chống Pháp và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam năm 1959.

Năm 1961, Nguyễn Quang Mỹ được đưa đi đào tạo ở Liên Xô, học tại Khoa Địa lý, Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp. Năm 1964, nghe tin giặc Mỹ đánh phá quê hương dữ dội, Nguyễn Quang Mỹ đã lấy máu viết thư về xin gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam để chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước, nhưng tâm nguyện này của ông đã không được đáp ứng. Việt Nam đang cần những con người có tri thức để phục vụ đất nước. Ở lại Liên Xô, Nguyễn Quang Mỹ đã dồn sức vào học tập, tu dưỡng và hoàn thành tốt việc học tập của mình. Năm 1966, ông tốt nghiệp chuyên ngành Địa mạo tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp.

Tháng 8.1966, cậu sinh viên vừa tốt nghiệp đại học ở Liên Xô về được Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp phân công về công tác tại Khoa Địa lý - Địa chất, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhiệm vụ đầu tiên anh được giao là làm Bí thư khoa, trợ lý đắc lực giải quyết mọi công việc sự vụ giúp GS. NGND Nguyễn Văn Chiển - Chủ nhiệm khoa.

Năm 1969, ông được Nhà trường cử sang Trường Đại học Tổng hợp Lêningrat làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1971. Tới năm 1989, ông lại được cử đi làm thực tập sinh tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp và hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học năm 1991. Tại Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, Nguyễn Quang Mỹ đã có được một vinh dự lớn - vinh dự được lần thứ ba gặp Bác Hồ, sau hai lần gặp Bác về thăm trường Bổ túc Công nông Trung ương. Trong buổi nói chuyện với sinh viên Việt Nam học tập ở Matxcơva, Bác Hồ có dặn: "Các cháu phải học giỏi để sau này phục vụ Tổ quốc được tốt"... Ông hiểu: Tổ quốc đã gửi gắm rất nhiều hy vọng vào những người được cử sang Liên Xô thời điểm ấy, trong đó có ông, và ông đã ghi nhớ lời dặn đó, thực hiện và coi đó như một phương châm sống của mình. Suốt những năm sống và học tập ở Liên Xô (11 năm, tuy không liền mạch), Nguyễn Quang Mỹ chỉ có một điều nung nấu: phải phấn đấu rèn luyện, học tập để sau này trở về phục vụ Tổ quốc.

GS. Nguyễn Quang Mỹ được phong học hàm Phó giáo sư năm 1984, Giáo sư năm 2002 và được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1994.

Gần bốn mươi năm công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN, GS. Nguyễn Quang Mỹ đã dành tất cả sức lực, tâm huyết và trí tuệ cống hiến cho ngành Địa lý - một ngành khoa học vẫn còn khá trẻ của nước ta. Trong những ngày gian khó của đơn vị, cơ sở vật chất thiếu thốn, lực lượng cán bộ còn mỏng, ông là một trong những người đầu tiên góp phần thành lập ngành Địa lý (1966) và Bộ môn Địa mạo (1972) trong Khoa Địa lý - Địa chất, và góp phần thành lập ngành Địa chính trong Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN ngày nay.

Ông đã trải qua nhiều cương vị công tác như: Bí thư chi bộ Khoa Địa lý - Địa chất, Chủ nhiệm Bộ môn Địa lý (1966 - 1968), Chi uỷ viên, Bí thư chi đoàn cán bộ giảng dạy Khoa Địa lý - Địa chất (1966 - 1968), Chủ nhiệm Bộ môn Địa mạo (1972 - 1981), Phó chủ nhiệm Khoa Địa lý - Địa chất (1983 - 1985), Chủ nhiệm Khoa Địa lý - Địa chất (1986 - 1988), Đảng uỷ viên, Chủ tịch công đoàn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1986 - 1988), Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (1986 - 1988), Chủ nhiệm Khoa Địa lý (1996 - 2000) và nhiều khoá là Bí thư Chi bộ Khoa Địa lý (1996 - 2005).

Trong suốt cuộc đời làm thầy, làm khoa học của mình, GS. Nguyễn Quang Mỹ luôn ấp ủ một ước mơ: khám phá những điều kỳ diệu trên mảnh đất Tổ quốc Việt Nam để đưa khoa học địa lý vào phục vụ đất nước; nghiên cứu hang động phục vụ du lịch và các ngành kinh tế khác. Và tới nay, ông đã làm được điều đó. Ông trở thành một trong những người đi đầu trong nghiên cứu xói mòn đất hiện đại ở Việt Nam xây dựng ý tưởng bậc thang hoá trên đất trống đồi núi trọc để phát triển nông lâm nghiệp ở trung du và miền núi; đồng thời là một trong những người đầu tiên nghiên cứu tai biến thiên nhiên từ năm 1991, nghiên cứu hang động phục vụ các ngành kinh tế từ năm 1972 đến nay.

GS. Nguyễn Quang Mỹ đã từng giảng dạy các môn: Địa mạo đại cương, Địa mạo động lực, Tai biến thiên nhiên và Hang động học. Ông thực sự chuyên về hang động từ năm 1991. Đó cũng là lúc việc khảo sát hang động Việt Nam có một bước ngoặt trọng đại. Năm ấy ông Howard Limbert, thành viên Hiệp hội Nghiên cứu Hang động Anh, một tổ chức nằm trong Hội Địa lý Hoàng gia Anh viết thư cho các tổ chức địa lý của Việt Nam, Lào đề nghị phối hợp khảo sát hang động. Ba lá thư gửi đi nhưng họ chỉ nhận được lá thư trả lời duy nhất của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Người hồi âm là Chủ nhiệm Khoa Địa lý - Địa chất, GS. Nguyễn Quang Mỹ.

Chuyến đầu tiên phối hợp khảo sát hang động giữa Anh và Việt Nam diễn ra vào năm 1991 thành công và đã đưa hang Phong Nha ra ánh sáng, không chỉ với người trong nước mà toàn thế giới. Từ đấy đến nay đã có 10 đợt khảo sát phối hợp như thế ở nhiều tỉnh Hoà Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh, Quảng Bình, Ninh Bình, Hà Giang... Các báo cáo thăm dò, kèm theo số liệu khảo sát và những ảnh chụp tuyệt đẹp được công bố trên nhiều số của tạp chí "Người thám hiểm hang động quốc tế" đã thu hút nhiều người tới các hang động Việt Nam. Cũng sau chuyến khảo sát năm 1991, với nỗ lực của mình, GS. Nguyễn Quang Mỹ đã xin được của Nhà nước một đề tài nghiên cứu hang động kéo dài 5 năm (1991 - 1995), nhờ đó các nhà nghiên cứu hang động Việt Nam đã lập hồ sơ khoa học của 300 hang lớn nhỏ. Và năm 1993, GS. Nguyễn Quang Mỹ cùng một số đồng nghiệp đã sáng lập ra Hội Hang động Việt Nam. Ông tâm sự: "Tôi được đào tạo chuyên sâu về địa mạo karst ở Liên Xô, cũng đã từng bốn năm lăn lộn với vùng đá vôi Bắc Sơn - Lạng Sơn trong vai trò người thăm dò địa chất, nhưng phải đến khi sang một số nước Âu - Mỹ, nhất là nước Anh, chứng kiến "phong trào" nghiên cứu và thám hiểm hang động của người dân các nước ấy tôi mới giật mình. Ở Anh, ngoài chợ chỗ nào cũng bày bán các dụng cụ bảo hiểm vào hang. Chỉ cần vài chục mét hang là người ta kéo đến rần rần. Ngay sát mình đây, Thạch Lâm ở huyện Lu Nan tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, địa hình giống hệt vùng "cao nguyên đá" Đồng Văn - Hà Giang nhà mình, hàng năm họ kiếm được 600 - 700 triệu USD nhờ du lịch hang động. Trong khi đó nước ta có biết bao nhiêu vùng địa mạo karst, là một tài nguyên rất lớn cho "nền công nghiệp không khói" mà vẫn chưa được biết đến... Bắt tay vào nghiên cứu lĩnh vực hang động học, chúng tôi chỉ mong rằng sẽ góp được phần sức lực nhỏ bé của mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước".

GS. Nguyễn Quang Mỹ cùng 15 nhà địa lý - địa chất Việt Nam và 20 nhà khoa học người Anh thuộc Hội hang động Hoàng gia Anh đã khảo sát, đo vẽ được 300 hang động của Việt Nam tập hợp trong cuốn "Kỳ quan hang động Việt Nam" in bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, kèm theo 209 ảnh màu và nhiều bản đồ, bản vẽ do ông và ngài Haward Limbert cùng chủ biên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN và Trung Tâm Bản đồ và Tranh ảnh Giáo dục xuất bản.

Tên tuổi của GS.TSKH Nguyễn Quang Mỹ được người ta biết đến nhiều bắt đầu từ năm 1997, tại Đồng Hới, Quảng Bình, trong một hội thảo khoa học, ông đứng ra tuyên bố những số liệu chấn động giới khoa học về danh thắng Phong Nha - Kẻ Bàng. Với những cái nhất mà ông chỉ ra: vùng đá vôi có tuổi địa chất già nhất (300 - 400 triệu năm), rừng nguyên sinh rộng nhất hơn 20 vạn ha, cửa hang cao và rộng nhất, dòng sông ngầm xuyên núi dài nhất, Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới năm 2003. Đây là một tin vui tuyệt vời đối với các nhà nghiên cứu hang động như GS. Nguyễn Quang Mỹ và với nhân dân Việt Nam. Chính nhờ những chuyến khảo sát ấy, rồi sự công nhận của UNESCO, hàng chục bài báo được công bố trên thế giới, cuốn hút nhiều du khách và nhà nghiên cứu tới Phong Nha - Kẻ Bàng. Theo Ban quản lý di tích động Phong Nha, mỗi năm có hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan. Phong Nha - Kẻ Bàng được bạn bè nhiều nước trên thế giới biết đến, Việt Nam có thêm một danh lam thắng cảnh, một khu du lịch nổi tiếng, đó là nhờ một phần đóng góp tích cực của GS. Nguyễn Quang Mỹ - chuyên gia về hang động học, người đã dành nhiều công sức, tâm huyết cho ngành khoa học này.

Những điều đã đạt được và cả những bài học rút ra sau những lần thất bại trong tìm tòi nghiên cứu khiến GS. Nguyễn Quang Mỹ càng có thêm động lực, đam mê trong công việc. Ông đã từng nói: "Với nghề hang động cần phải giàu lòng can đảm và kiên trì". Quả đúng là như vậy! Ông đã lăn lộn hầu hết các miền đất nước để tìm hiểu, nghiên cứu điều kiện phát sinh và phát triển địa hình, các quá trình tai biến thiên nhiên và đề ra những phương pháp giảm thiểu. Những năm gần đây, với cương vị là Chủ tịch Hội địa lý Việt Nam cũng như Chủ tịch Hội hang động Việt Nam, ông đã cùng với đồng nghiệp nghiên cứu những điều kiện địa lý nhiệt đới của quê hương, đất nước để tìm ra những giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

Cho tới nay, ông đã có một khối lượng công trình khoa học đồ sộ với 40 công trình nghiên cứu khoa học đăng tải trên các tạp chí trong và ngoài nước, gần 20 báo cáo khoa học được công bố ở các hội nghị khoa học quốc gia và quốc tế, 28 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, chủ biên hoặc tham gia viết 6 giáo trình và cùng đồng nghiệp xuất bản 9 sách chuyên khảo. Đó là kết quả của một quá trình lao động không biết mệt với những năm tháng đi thực địa thu thập tài liệu gặp biết bao nhiêu gian nan, vất vả, nguy hiểm. Dưới sự hướng dẫn tận tình của ông, hàng trăm sinh viên đã hoàn thành xuất sắc khoá luận tốt nghiệp, nhiều học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, 10 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Địa lý.

Dù trong hoàn cảnh công tác nào, GS. Nguyễn Quang Mỹ đều gần gũi, ân cần động viên đồng nghiệp giữ vững đoàn kết nội bộ, giúp nhau vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông đã truyền cho sinh viên niềm đam mê và phấn đấu xây dựng một ngành Địa lý vững mạnh. Ông tâm sự: "Nếu có kiếp sau, tôi vẫn tiếp tục lao động, sáng tạo hết mình tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN. Tại mái trường này, tôi đã trưởng thành, đã được học tập nhiều từ bạn bè, đồng nghiệp, được cống hiến sức mình cho sự nghiệp trồng người và cho nghiên cứu khoa học - đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi".

Bốn mươi năm tuổi nghề - GS. Nguyễn Quang Mỹ đã có 8 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 10 năm liền được công nhận Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở (1992 - 2002), 3 năm được công nhận giảng viên dạy giỏi cấp ĐHQGHN (1999, 2001, 2002). Ông đã được tặng 40 bằng khen các cấp; Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; Huy chương Vì sự nghiệp khoa học công nghệ, Huy chương Vì sự nghiệp công đoàn, Huy chương Vì sự nghiệp Địa chất và Huy chương Vì sự nghiệp Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Hoài bão và dự định GS. Nguyễn Quang Mỹ cho tương lai vẫn còn nhiều. Ông vẫn ngày đêm cố gắng tìm tòi những phương án chống xói mòn đất để bảo vệ độ phì của đất nhằm phát triển nông - lâm nghiệp; nghiên cứu, đo vẽ nhiều hang động ở các miền Tây Bắc, Đông Bắc và miền Trung, phục vụ phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác... Những tổng kết kinh nghiệm của gần 40 năm lăn lộn trên mọi miền Tổ quốc đang được GS. Nguyễn Quang Mỹ tiếp tục trình bày trên từng trang giáo trình và sách chuyên khảo để cho thế hệ trẻ tiếp tục nghiên cứu và bổ sung.


Quá trình đào tạo
- Đại học: 1966, Trường ĐHTH Maxcơva - Liên Xô cũ
- Tiến sỹ: 1971, Trường ĐHTH Lêningrat - Liên Xô cũ
- Tiến sỹ khoa học: 1991, Trường ĐHTH Maxcơva - Liên Xô cũ
- Phó Giáo sư: 1984
- Giáo sư: 2002

Giảng dạy các giáo trình

Địa mạo động lực, Xói mòn đất hiện đại, Tai biến thiên nhiên và địa động lực hiện đại, Cơ sở sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Lĩnh vực nghiên cứu

Xói mòn đất hiện đại, nghiên cứu hang động karst phục vụ phát triển kinh tế, tai biến thiên nhiên.
Các sách đã xuất bản

1. Nguyễn Văn Chiển (chủ biên), Nguyễn Quang Mỹ và NNK. Tuyển tập về nghiên cứu Tây Nguyên, 1984. Nxb KHKT.

2. Phạm Quang Anh (chủ biên), Nguyễn Quang Mỹ và NNK. Hệ sinh thái cà phê Đắc Lắk, 1987.
3. Nguyễn Quang Mỹ (chủ trì). Atlas tài nguyên thiên nhiên kinh tế xã hội tỉnh Đắc Lắc, 1985. Nxb Cục ĐĐ bản đồ Nhà nước.

4. Lê Thạc Cán (chủ biên), Nguyễn Quang Mỹ và nnk. Việt Nam những vấn đề tài nguyên và môi trường, 1986. Nxb Nông nghiệp.

5. Nguyễn Quang Mỹ (chủ biên). Atlas hang động Việt Nam tập I, 1993. Nxb Cục ĐĐ Bản đồ Nhà nước.

6. Nguyễn Quang Mỹ, Howard Limbert (đồng chủ biên). Kỳ quan Hang động Việt Nam tập II, 2001. Nxb TT BĐ & TA GD.

7. Nguyễn Quang Mỹ. Địa mạo động lực, 2002. Nxb ĐHQG HN.

8. Nguyễn Quang Mỹ. Xói mòn đất hiện đại, 2005. Nxb ĐHQG HN.

9. Nguyễn Quang Mỹ (chủ biên), Đặng Văn Bào, Nguyễn Hiệu, Nguyễn Đức Khả, Phan Duy Ngà. Việt Nam - di sản thế giới, Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng, 2006. Nxb Trẻ.
Các bài báo, báo cáo khoa học (10 công trình tiêu biểu)

1. Nguyễn Quang Mỹ, Hoàng Xuân Cơ. Bước đầu xác định tương quan giữa mưa và xói mòn đất. Tạp chí khoa học ĐHTH Hà Nội số 4. 1985, tr. 26-33.

2. V.N. Xonxep, Nguyễn Quang Mỹ, Phạm Quang Anh. Cảnh quan hiện đại và vấn đề sử dụng hợp lý chúng ở Việt Nam. Tạp chí tài nguyên thiên nhiên của UNESCO TOM 26 số 3-4. 1990, tr. 33-45.
3. Đào Đình Bắc, Nguyễn Quang Mỹ, A.I. Spridonop và nnk. Bản đồ địa mạo Việt Nam. Tạp chí ĐHTH Maxcơva - Lomonoxốp số 2-2, xêri 5, Địa lý. 1991, tr. 101-104.

4. Nguyễn Quang Mỹ. Phân vùng xói mòn Việt Nam. Tạp chí ĐHTH Maxcơva - Lomonoxốp số 3, xêri 5, Địa lý. 1991, tr. 85-90.

5. Nguyễn Quang Mỹ, Đào Đình Bắc và nnk. Địa mạo Campuchia - Lào và Việt Nam. Tuyển tập công trình khoa học địa chất Đông Dương lần thứ 2, tập 1, 1991, tr. 85-96.

6. Lê Thạc Cán, Nguyễn Quang Mỹ. Xói mòn lưu vực các sông suối ở Việt Nam. Tạp chí các Khoa học Trái đất số 4, tập 15, 1993, tr. 103-117.

7. Nguyễn Quang Mỹ, Vũ Văn Phái. Hang động karst với mục đích du lịch. Tạp chí chuyên đề du lịch nhiệt đới,1983.

8. Nguyễn Tứ Dần, Nguyễn Quang Mỹ. Xác định hệ số lớp phủ thực vật (C) trong nghiên cứu định lượng xói mòn thông qua xử lý ảnh số. Chuyên san Địa lý. 1996, Tr. 45-49.

9. Nguyễn Quang Mỹ, Chu Đình Chính. Bước đầu xác định những nguyên nhân cơ bản gây nên tai biến thiên nhiên vùng Tây Bắc. Tạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội, tập 12, số 6, 1997, tr. 32-38.

10. Nguyễn Quang Mỹ, Ngô Trà Mai, Nguyễn Quang Minh. Quá trình xói mòn đất trên phạm vi đới đứt gãy sông Hồng và phụ cận. Tạp chí các KHTĐ số 1, tập 26, 2004, trang 38-42
(Nguồn: Khoa Địa lý)